Dậy thì sớm
Ngày đăng: 16/06/2011
Lượt xem: 24169
Thời còn làm nội trú ở Pháp, tôi đã gặp trường hợp một bé gái sáu tuổi nhập viện vì bụng to. Ban đầu các bác sĩ cho rằng bé đang mang khối u trong bụng. Nhưng sau khi siêu âm, bác sĩ và gia đình bé thật sự bất ngờ khi phát hiện bé đang mang thai. Sự thật, đứa bé trên đã bị dậy thì trước tuổi thông thường, và bé đã bị lạm dụng tình dục nhưng không hề hay biết hay nhận thức về những chuyện đã xãy ra với cháu…
Dậy thì sớm – nhiều nguyên nhân dẫn đến...
Bình thường ở trẻ gái (10-13 tuổi) và trẻ trai (11- 14 tuổi), cơ thể có sự thay đổi để chuyển sang giai đoạn dậy thì. Nhưng, một bé gái chỉ mới 2, 3 tuổi đã có những phát triển bất thường như ngực to, xuất hiện kinh nguyệt, lông vùng mu, vùng nách thì rõ ràng là dấu hiệu đáng lo. Hầu hết người bố, người mẹ nào khi nhận thấy những thay đổi đột ngột ở cơ thể của con mình, đều bàng hoàng, lo lắng, chạy khắp nơi tìm cách chữa trị bệnh cho con. Có nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện trong tình trạng muộn màng vì không thể chẩn đoán đúng bệnh cho trẻ.
Bệnh dậy thì sớm có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân có thể được gọi là ngoại biên như khối u buồng trứng, u tinh hoàn, u hoặc tăng sinh tuyến thượng thận. Nguyên nhân trung ương có thể là u não, hoặc do quá trình xạ trị, phẫu thuật trước đó gây nên, hoặc sau nhiễm trùng hệ thần kinh.
Ngoài ra, dậy thì sớm chưa xác định được nguyên nhân, hay còn gọi là vô căn, cũng được xếp trong nhóm do nguyên nhân trung ương.
Biến chứng cũng không ít.
Thông thường, dậy thì sớm khi xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước tám tuổi (bé gái), và trước chín tuổi (bé trai). Bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, do các sụn tăng trưởng tăng hoạt động, trẻ sẽ phát triển rất nhanh nhưng sẽ sớm ngừng tăng trưởng. Đây cũng là lý do làm cho trẻ bị lùn sau này.
Bên cạnh những biến chứng nặng do nguyên nhân gây ra như trong bệnh cảnh khối u ở não, u buồng trứng, u tuyến thượng thận…, trẻ còn có thể bị ức chế tâm lý do các bất thường xảy ra ở lứa tuổi mà trẻ cùng lứa không có như ngực to, có kinh sớm, xuất hiện lông ở mu, nách, giọng nói bị vỡ (trẻ trai)…Trẻ có thể lo lắng, rụt rè do bị tách biệt, cô lập bởi bạn bè.
Tuy có sự phát triển sớm về thể chất, nhưng trẻ chưa đủ lý trí để nhận biết và ý thức được những hành động quấy rối, nên có thể bị lạm dụng tình dục. Trẻ gái có nguy cơ mang thai mà cha mẹ, người lớn không hề hay biết.
Điều trị nguyên nhân là chủ yếu.
Chữa trị cho một đứa trẻ bị dậy thì sớm phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên. Các bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân và tùy theo nguyên nhân mà chữa trị. Cần xem xét từng trường hợp một.
Đặc biệt đối với những trường hợp do nguyên nhân trung ương, thì có thể dùng thuốc LH – RHa làm chậm quá trình dậy thì của trẻ.
Thuốc LH-RHa cần có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Không nên lạm dụng thuốc khi không đúng chỉ định do các biến chứng có thể có về sau này. Việc xác định bệnh, cũng như quyết định điều trị cần được cân nhắc kỷ lưỡng.
Đăng bởi: TS.BS.Trần Thị Mộng Hiệp - Trưởng khoa Thận nội tiết
Các tin khác
Hưởng ứng Ngày Đái tháo đường thế giới 14/11 – Nâng cao nhận thức toàn cầu về bệnh đái tháo đường 14/11/2024
Chọn đúng vị trí để tiêm insulin 08/09/2015
Bảo quản thuốc đái tháo đường đúng cách 08/09/2015
Dậy Thì Sớm - Dậy thì muộn 08/11/2013
Dậy thì sớm 14/08/2013