Bấm vào hình để xem kích thước thật

Phỏng, vấn đề cần chú ý!

Ngày đăng:  18/10/2011

 
Lượt xem: 10131

Vừa qua, khoa bỏng đã tiếp nhận và điều trị 2 trường hợp phỏng đặc biệt nặng.

Trường hợp thứ nhất là bé Nguyễn thị Kim C., 10 tuổi, nhà ở Bình Dương, trong lúc vui chơi, chẳng may té vào nồi nước đang đun sôi và bị phỏng khá nặng toàn bộ ngực, bụng, 2 tay, vùng lưng , bộ phận sinh dục, 2 chân và 2 tay với diện tích phỏng khoảng 46%. Dù đã được nhập viện và điều trị tích cực đến nay là ngày thứ 16 nhưng bé vẫn chỉ tạm ổn. Quá trình điều trị cho bé là 1 chuỗi ngày căng thẳng, bé được bù nước, điện giải, truyền kháng sinh và truyền máu, phải lên bàn mổ cắt lọc các phần da chết 2 lần. Hiện tại, mỗi ngày bé vẫn phải được tắm phỏng 1 cách đặc biệt để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng từ bên ngoài vào và ngay tại vết phỏng.

Trường hợp thứ 2 là bé Chữ Văn L., 4 tuổi, nhà ở Bình  Phước, bé nhập viện trong tình trạng bị phỏng ở mặt, bụng và hông phải, tay phải với diện tích phỏng khoảng 25%. Theo lời kể của người nhà thì trong lúc người anh nhóm bếp củi bằng xăng, trong bếp còn tro ấm đã làm bừng lên ngọn lửa; quá hoảng hốt, người anh đã quăng chai xăng nhỏ ra xa, ngọn lửa theo chai xăng và trúng vào em. Cũng như bé C., bé L. cũng phải lên bàn mổ cắt lọc bỏ các mảnh da chết do phỏng quá sâu. Do đó, dù hiện tại không còn nguy hiểm đến tính mạng nhưng khả năng nhiễm trùng vết phỏng lúc luôn rình rập bé.

Phỏng là 1 tai nạn rất thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân phỏng thì thì rất đa dạng nhưng phần lớn (>70%) là do phỏng với chất lỏng nóng như nước sôi, lửa bếp, nước quá nóng trong vòi tắm, phỏng do bàn ủi, do điện giật hay rờ vào ổ cắm điện….trong đó khỏang 1/3 trẻ phải nhập viện do vết phỏng sâu và nhiễm trùng. Phỏng không chỉ là 1 tai nạn ngòai da mà trong những trường hợp nặng, sẽ gây ra các rối lọan lan rộng trong cơ thể khiến cơ thể suy sụp dẫn đến tử vong. Dù có nhiều tiến bộ trong công tác điều trị phỏng nhưng tỷ lệ tử vong ở trẻ phỏng nặng vẫn còn cao (khoảng 7% các trường hợp nhập viện). Ngòai ra, di chứng sau phỏng gây sẹo co rút, khủng hỏang tâm lý cho bé vẫn là một vấn đề rất lớn và nan giải cho cả nhân viên y tế và gia đình.

Phỏng được chia làm ba loại:

+ Phỏng độ I: Da đỏ lên, chỉ ảnh hưởng đến lớp da ở nông nhất, vết bỏng lành nhanh nhưng da bị tổn thương có thể tróc ra sau đó vài ngày. Rám nắng được xếp vào loại bỏng độ 1.

+ Phỏng độ 2: Da bị tổn thương sâu hơn, tạo bóng nước. Tuy nhiên một phần chân bì (phần sâu của da) vẫn còn nên da có thể tái tạo lại được. Vì vậy, bỏng độ 2 thường lành, không để lại sẹo, trừ khi diện tích bỏng quá rộng.

+ Phỏng độ 3: Huỷ hoại toàn bộ bề dầy của da. Vùng da bỏng có mầu trắng hoặc cháy sém.

+ Phỏng độ 4: Tổn thương gân, cơ, xương, khớp, mạch máu thần kinh, sụn khớp và có khi tạng bụng hoặc ngực cũng bị bỏng.

Do đó, tùy theo độ phỏng mà nhân viên y tế có biện pháo điều trị thích hợp: thay băng tại phòng khám và cho toa thuốc về; trường hợp nặng hơn thì phải nhập viện đểđiều chỉnh các rối loạn nước điện giải sẽ xảy ra sau đó. Tuy nhiên, việc xử trí vết phỏng ban đầu tốt giúp ích rất nhiều cho việc điều trị sau này cho bé. Vì vậy, khi bé bị phỏng, cha mẹ cần phải bình tĩnh tiến hành các biện pháp sơ cứu cần thiết như sau:

- Loại bỏ ngay các tác nhân gây phỏng:

         +  Lửa cháy dập lửa bằng nước

         + Nếu điện thì cắt ngay nguồn điện, dùng cây gỗ để gạt bỏ dây điện, kéo nạn nhân ra xa nguồn điện.

         + Nếu tác nhân gây phỏng là thức ăn nóng, nước sôi phải cởi bỏ ngay quần áo nạn nhân, rửa trôi thức ăn còn bám trên da.

- Ngâm rửa vết phỏng vào nước lạnh càng sớm càng tốt sẽ hạn chế được bỏng sâu.

Băng ép tạm thời vết bỏng bằng gạc, vải mùng, vải sạch để hạn chế vết thương nhiễm khuẩn, phù nề, giảm đau.

Không được đắp bất cứ thứ gì lên vết phỏng (nước mắm, kem đánh răng,…) vì dễ gây  nhiểm  trùng sau đó. Ngoài ra, các hóa chất lạ sẽ có tác dụng làm hư hại thêm vùng mô bị phỏng vốn đã mất đi hàng rào bảo vệ là làn da bình thường.

- Nếu bé quá đau đớn thì có thể cho bé uống thuốc giảm đau paracetamol (biệt được Hapacol 150mg, 250mg hoặc Efferalgan 150mg, 250mg) với liều từ 10-15mg/kg trước khi đưa đi.

Sau khi sơ cứu trẻ cần được đưa đến ngay bệnh viện để khám và điều trị. Ngoài ra để tránh các trường hợp phỏng xảy ra thì việc dự phòng phỏng là hết sức cần thiết và nên được chú ý thường xuyên.

    -Không để trẻ em chơi đùa gần bếp lửa, các ổ cắm điện.

    -Không để xăng dầu, các chất dể cháy ở nơi sinh hoạt.

    -Các vật dụng có thể gây phỏng (ấm nước sôi, bình thủy, ổ điện,….) phải để xa tầm tay của trẻ

 Khi trẻ đã bị phỏng dù ít hay nhiều, đa số đểu để lại di chứng và chấn thương tâm lý cho trẻ về sau. Do đó, “phòng bệnh hơn trị bệnh” vẫn là cách tốt nhất hiện nay.

Đăng bởi: BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021