Bệnh viêm não Nhật Bản
Ngày đăng: 01/08/2014
Lượt xem: 13199
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính gây nên do vi rut VNNB làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh VNNB lây theo đường máu, do muỗi Culex tritaeniorhynchus hút máu động vật nhiễm vi rút (một số loài chim, gia súc đặc biệt là lợn nhà) rồi đốt người, qua đó truyền vi rút cho người.
Biểu hiện của bệnh VNNB:
Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 6 ngày, bệnh nhân có sốt, thường kèm theo ớn
lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.
- Giai đoạn toàn phát: tiếp tục sốt cao 38°C - 40°C; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón); biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê); biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng); kèm theo rối loạn thần kinh thực vật.
- Giai đoạn hồi phục: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt và/hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.
Bệnh VNNB cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Tiêm vắc xin VNNB là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất.
- Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình TCMR.
Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 một năm
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
Mũi 1: càng sớm càng tốt
Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Ngoài ra phối hợp các biện pháp phòng chống khác như: kiểm soát muỗi Culex truyền bệnh (diệt muỗi, ngủ mùng); kiểm soát động vật mang vi rút gây bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, quy hoạch và cải tạo khu vực dân cư, khu chuồng trại chăn nuôi để giảm tác hại của véc tơ và vật chủ truyền bệnh.
Đăng bởi: BS.Huỳnh Thị Diễm Kiều - Phòng KHTH
Các tin khác
Những điều cần biết về bệnh do não mô cầu 17/12/2024
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024