Bấm vào hình để xem kích thước thật

Khi trẻ bị táo bón

Ngày đăng:  01/10/2008

 
Lượt xem: 11135

Câu hỏi:

Tôi muốn nói về trường hợp bệnh của con gái tôi, năm nay hơn 3 tuổi, cháu ăn được ngủ được và đặc biệt mỗi ngày uống được 4 hộp sữa nhưng không hiểu vì sao gần đây cháu bị đi ngoài táo bón, có khi còn bị chảy máu do phân quá đặc. Tôi muốn hỏi bác sĩ là cháu bị bệnh gì? Và phải uống loại thuốc nào để trị táo bón và nên ăn uống ra sao?

Người hỏi: hoang_viet_tran@yahoo.com

Trả lời:

Bạn Việt thân mến!

Táo bón là một vấn đề khá thường gặp ở các phòng khám nhi và đặc biệt là phòng khám tiêu hóa, dinh dưỡng. Bệnh có thể do nguyên nhân thực thể tại ruột (hẹp hậu môn, bệnh Hirschsprung, dài đại tràng, một số nguyên nhân nội tiết, trẻ béo phì…) nhưng đa phần là táo bón chức năng, nghĩa là trẻ không có bệnh nhưng do chế độ ăn uống và thói quen đi cầu không đúng gây ra .Có 3 giai đoạn trẻ hay bị táo bón là khoảng tuổi ăn dặm, tuổi tập chế độ đi cầu (2-4 tuổi) và tuổi đi học. Lúc này ,do trẻ không đi cầu đều đặn, lượng phân còn ứ trong trực tràng bị hút nước trở nên cứng và to dần, làm trẻ đau và có thể chảy máu do nứt hậu môn. Trẻ bị đau sẽ nín cầu và giữ phân lại, khối phân lại bị hút nước, to dần, nói chung là thành vòng lẩn quẩn. Càng ngày, ngưỡng kích thích đi cầu của trực tràng càng tăng ( đòi hỏi lượng phân lớn hơn mới có cảm giác mắc cầu) và gây ra táo bón mạn với nhiều hậu quả nghiêm trọng về tâm lý cũng như sức khỏe của trẻ (són phân, viêm ruột, chướng bụng, biếng ăn, nứt hậu môn, trĩ, sa trực tràng, nhiễm trùng tiểu, mặc cảm, cáu gắt…)

Con bạn có nhiều khả năng bị táo bón chức năng. Bạn cần cho cháu một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ rau, trái cây, ngũ cốc và uống đủ nước. Chỉ uống sữa không giúp cháu đỡ táo bón được, chưa kể nếu cháu uống sữa quá nhiều sẽ giảm phần ăn nên cũng giảm lượng chất gây nhuận tràng. Ngoài ra, tập thói quen đi cầu sẽ giúp trẻ tránh táo bón. Nên động viên cháu tập đi cầu sau mỗi bữa ăn, lúc đầu ngày 2-3 lần, dần dần chọn 1 thời gian thích hợp nhất với cháu. Khi cháu bị khối phân to, cứng gây đau làm cháu sợ đi cầu, bạn có thể sử dụng các thuốc làm mềm phân và bơm hậu môn để giúp giải phóng khối phân đó trong một thời gian ngắn trong khi tập thói quen đi cầu. Nếu không cải thiện, bạn nên cho cháu đến bệnh viện để có thể tìm nguyên nhân và có chỉ định can thiệp đúng, không nên để thành táo bón mạn (kéo dài trên 2 tháng) sẽ khó điều trị hơn.

Chúc bạn và cháu khỏe!

Trả lời bởi: BS. Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng Khoa Dinh Dưỡng

[Trở về]

Các tin khác