Bấm vào hình để xem kích thước thật

Điều trị thành công trường hợp bị rắn chàm quạt cắn

Ngày đăng:  21/03/2012

 
Lượt xem: 39837

Vào chiều ngày 21/2/2012, bé T.T.T.P, 11 tuổi, khi lượm trái me trong đống đá đã bị rắn chàm quạp cắn vào cánh tay phải. Người nhà đưa bé đi bó lá cây vào vết thương. Gần một ngày sau, thấy bé lừ đừ, cánh tay đau nhức nhiều, người nhà mới đưa vào bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại đây, bé được truyền huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp và chuyển đến bệnh viện Nhi đồng 2 vào giờ thứ 32.

Bé vào khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốc, mạch nhẹ, huyết áp khó đo, rối loạn đông máu và thiếu máu nặng, đồng thời cánh tay phải sưng  tấy, rỉ máu và nhiễm trùng. Bé được chống sốc bằng dịch truyền và thuốc vận mạch, tiếp tục truyền huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp, truyền máu và kết tủa lạnh. Bé cũng được chích kháng sinh mạnh để điều trị nhiễm trùng. Sau đó bé được chuyển vào khoa Nội Tổng hợp điều trị tiếp. Khi vào khoa dù không còn bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng huyết còn nặng; cánh tay phải nổi nhiều bóng nước, sưng nề nhiều lên đến vai và không cử động được. Bé phải dùng phối hợp nhiều loại kháng sinh mạnh, đắt tiền, điều trị oxy cao áp và mổ giải áp chèn ép khoang ở cánh tay phải cũng như săn sóc vết thương hằng ngày. Nhờ được xử trí tích cực ngay từ lúc nhập viện và được sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ giữa  khoa Nội tổng hợp và khoa Bỏng chỉnh trực nên sau 20 ngày điều trị, cánh tay bé đã giảm viêm nhiễm rất nhiều và chuẩn bị được ghép da.

 

Khi bị rắn rắn, nạn nhân và những người xung quanh phải giữ bình tĩnh, dùng cây hay gậy lấy rắn ra, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sát trùng bằng dung dịch Betadine hay Povidine nếu có. Sau đó nẹp cố định chi bị rắn cắn như nẹp gãy xương và băng vết thương từ trên xuống để hạn chế hấp thu nọc độc, nên để chi thấp hơn tim.

 

Những sai lầm khi xử trí rắn cắn:

 

  • Hoảng sợ bỏ chạy.

 

  • Cột ga-rô: sẽ gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới.

 

  • Cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc: sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc.

 

  • Đắp lá hay rễ cây có thể gây nhiễm trùng vết thương.

 

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần xử trí và theo dõi sát tại bệnh viện như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất là trong 12 giờ đầu. Hiệu quả điều trị càng cao nếu được điều trị càng sớm.

Cánh tay P bị sưng và nhiễm trùng do rắn cắn.

 

Cánh tay P sau khi đã được điều trị

 

Rắn chàm quạp

Đăng bởi: Ths.Bs. Trần Thị Kim Ngân - Khoa Nội tổng hợp

[Trở về]

Các tin khác