Cấp cứu kịp thời bệnh nhi vỡ thận sau tai nạn giao thông
Ngày đăng: 24/10/2014
Lượt xem: 6899
Khoa ngoại niệu BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và phẫu thuật kịp thời, cứu sống 1 trường hợp vỡ thận sau chấn thương do tai nạn giao thông . Bệnh nhi L.H.M.t, 14 tuổi, được chị chở đi học lúc 6 giờ sáng; trên đường đi bị 1 xe gắn máy đi cùng chiều tông phải khiến 2 chị em bị té. Cô chị may mắn chỉ xây sát nhẹ. Nhưng cô em kém may mắn hơn, té đập phần hông lưng trái xuống cạnh của con lươn ngăn cách 2 làn đường. Sau tai nạn, bé cảm thấy đau nhiều và choáng.
Bé nhanh chóng được người dân đưa vào BV quận 4 cấp cứu và được chuyển viện gấp do nghi vỡ thận trái. Tại khoa cấp cứu BV Nhi Đồng 2, bé được hồi sức chống sốc tích cực , siêu âm lại cho thấy thận trái cảu bé bị dập nát và chảy máu nhiều. Bé được hội chẩn và mổ khẩn cấp ngay sau đó. Kết quả phẫu thuật cho thấy, thận trái cảu bé bị đứt làm 3 mảnh gây chảy máu ồ ạt (trong lúc mổ bé phải truyền hơn 2,5 lít máu). Các bác sĩ đã phải cắt bỏ thận trái và khâu lại vết thương mạch máu thận. Có chút an ủi là các tạng khác của bé không bị gì. Hiện tình trạng của bé đã ổn định; bé tỉnh táo, bớt đau và nhớ lại rõ các chi tiết mình bị tai nạn; trong đó có việc người gây tai nạn lợi dụng lúc 2 chị em té ngã chắc do sợ trách nhiệm đã bỏ đi.
Thạc sĩ bác sĩ Phan Tấn Đức, phẫu thuật viên chính, cho hay đây là 1 trường hợp chấn thương thận rất nặng làm đứt các mạch máu lớn của thận, nếu không mổ kịp thời, có khả năng tử vong do sốc mất máu. Bác sĩ lưu ý các trường hợp chấn thương có va đập mạnh vào bụng hoặc hông lưng ; sau va đập bé cảm thấy mệt, choáng, đau bụng hoặc tiểu ra máu thì phần lớn là có tổn thương các tạng trong ổ bụng hoặc hệ niệu. Các trường hợp này cần phải được đưa đến khám tại các trung tâm y tế gần nhất và cần thiết có siêu âm kiểm tra nếu nghi ngờ có tổn thương các tạng trong ổ bụng hoặc thận. Ngoài ra, tính mạng người bị nạn là quan trọng hơn hết, người đã trót gây ra tai nạn nên bình tĩnh và hết sức cứu giúp người bị nạn trước, trách nhiêm phân xử sẽ có cơ quan chức năng đảm trách, không nên hốt hoảng bỏ rơi người bị nạn, đôi khi hậu quả để lại sẽ rất nặng nề.
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024