Chủ động 'chiến đấu' cùng dịch bệnh
Ngày đăng: 23/10/2018
Lượt xem: 7107
Trong vài tuần qua, một số dịch bệnh ở trẻ em như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng có diễn biến phức tạp, gây nên tình trạng quá tải ở các bệnh viện Nhi. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc bệnh viện để nghe ông chia sẻ về tinh thần “chủ động chiến đấu hết mình” của tập thể CBCNV bệnh viện trong những ngày căng thẳng vừa qua nhằm kịp thời cứu chữa bệnh nhân và hạn chế dịch bệnh lây lan.
QUÁ TẢI DO DIỄN TIẾN BẤT THƯỜNG, DỊCH CHỒNG DỊCH
Thưa Bác sĩ Giám đốc, được biết trong gần 3 tháng vừa qua, số lượng các bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao ở các bệnh viện nhi tại TP.HCM khiến dư luận hết sức lo lắng. Theo bác sĩ thì tình hình trên do đâu và có gì bất thường so với mọi năm hay không?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Từ đầu tháng 8/2018, BV Nhi Đồng 2 có sự gia tăng số lượng ca mắc sởi, trong đó có các ca nặng, có biến chứng viêm phổi hoặc có yếu tố nguy cơ (có bệnh nền là tim bẩm sinh và dị tật bẩm sinh khác của đường hô hấp, tiêu hóa…). So với năm 2017 thì các ca sởi nặng có tăng. |
Đối với sốt xuất huyết, Việt Nam là vùng lưu hành của dịch bệnh này, thường tăng vào đầu và cuối mùa mưa. Tháng 9/2018, số lượng bệnh nhi nhập viện có tăng và số ca biến chứng nặng cũng tăng, tuy nhiên so với 9 tháng cùng kỳ năm 2017 thì số ca mắc không tăng.
Với bệnh tay chân miệng, thường trong năm dịch bệnh có 2 đỉnh cao là vào tháng 3-4 và tháng 10-11 nhưng năm nay dịch đến sớm hơn là vào tháng 8-9, dù số lượng bệnh nhân có nhiều, hơn những tháng trước nhưng so với 9 tháng cùng kỳ năm 2017 cũng không tăng. Tuy nhiên, năm nay có số ca nặng (độ 3, 4) nhập viện cao hơn những năm gần đây.
Từ tình hình trên cho thấy, do diễn tiến bất thường, dịch đến sớm hơn so với chu kỳ, 3 bệnh dồn về một lúc, dịch chồng dịch đã dẫn đến quá tải bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng đến sớm hơn mọi năm và lưu lượng bệnh nhân cũng tăng cao đã góp phần làm cho lượng bệnh nhân tăng cao. Một lý do nữa là có thể do truyền thông về dịch bệnh chưa đầy đủ, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân nên nhiều phụ huynh đã đưa con tới khám tại các BV lớn, thậm chí yêu cầu bác sĩ cho nhập viện khi bệnh các cháu vẫn còn nhẹ, có thể điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại nhà. Điều này cũng dẫn đến tình trạng các cháu có thể bị lây nhiễm chéo những bệnh khác, hoặc khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Khoa khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 2
BS có thể lý giải vì sao năm nay riêng bệnh sởi lại tăng so với năm 2017 trong khi 2 bệnh kia lại không tăng?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Nguyên nhân có thể do miễn dịch trong cộng đồng còn kém, một số trẻ có sức đề kháng yếu do có bệnh bẩm sinh và không được tiêm ngừa, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi nên không có khả năng kháng lại bệnh. Thực tế là khoảng 90% trẻ mắc sởi nặng tại Nhi Đồng 2 là trẻ dưới 9 tháng tuổi. |
Cũng có một tỉ lệ trẻ đã ngoài 9 tháng tuổi nhưng vì có dị tật ở tim, đường thở, tiêu hóa nên chưa được tiêm chủng. Một số trẻ bình thường khác vì lý do nào đó mà không được phụ huynh đưa đi tiêm chủng hoặc là không tiêm đủ 2 mũi sởi theo quy định cũng dẫn đến miễn dịch kém. |
Dịch chồng dịch như vậy hẳn đã đem đến một áp lực rất lớn cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh viện?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Khoảng 3 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng trên 7.000 lượt bệnh nhân, cá biệt có ngày cao đột biến với con số 8.700 cháu. Đây là con số kỷ lục từ trước đến giờ. Với những bệnh nội trú, mặc dù chỉ có chỉ tiêu 1.400 giường bệnh nhưng bệnh viện đã cố gắng kê thêm 500 giường để đủ giường cho các cháu nhưng vẫn không giải quyết hết. |
Từ tháng 8 đến nay, bệnh viện điều trị nội trú khoảng 2.100-2.200 bệnh/ngày thậm chí cao điểm tới 2.300 bệnh nhân/ngày. Trước tình hình đó, lẽ dĩ nhiên cả tập thể CBCNV bệnh viện phải “oằn mình chống dịch”, có bao nhiêu sức, trong điều kiện sẵn có của mình, chúng tôi bung ra hết để bảo đảm cháu nào khi vào đến đây cũng được khám và điều trị. “Chiến đấu” hết mình vì bệnh nhân trước, khổ nhọc gì cũng phải chấp nhận. Cũng có những lúc, một số bác sĩ, điều dưỡng đã quá mệt mỏi, muốn “bỏ cuộc” làm đơn xin nghỉ việc nhưng Ban giám đốc cũng kịp thời chia sẻ, động viên để anh chị em tiếp tục sự nghiệp “cứu người như cứu hỏa” của mình. |
LÀM VIỆC 24/24, CHỦ ĐỘNG SÀNG LỌC BỆNH, TĂNG BÀN KHÁM…
BS vui lòng chia sẻ, tinh thần “chủ động chiến đấu mùa dịch bệnh” của bệnh viện đã diễn từ khi nào?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Thông thường, thời điểm gần cuối năm là thời điểm “gia tăng” của các dịch bệnh nên chúng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý, kế hoạch để ứng phó. Khi phát hiện những ca sởi nặng đầu tiên, đánh giá tình hình có thể diễn biến phức tạp, bệnh viện đã khẩn trương thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gồm Ban Giám đốc và lãnh đạo các khoa, phòng và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. |
Ngay lập tức lập các khu cách ly tại khoa Tim mạch, khoa Hô hấp 1 đồng thời phân luồng bệnh mới, bệnh cũ riêng. Khoa Nhiễm cũng có một khu vực (03 phòng thường và 1 phòng hồi sức cách ly áp lực ân) cách ly bệnh sởi riêng.
Ở khu vực phòng khám, chúng tôi cho in 1 số bảng lưu ý những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi để bà con chú ý khi khi khai bệnh và tiến hành phân luồng, sàng lọc bệnh ngay từ đầu. Cụ thể, khi người nhà khai bé có một số triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt cao, mắt lèm nhèm… thì được đưa qua phòng lọc bệnh riêng, do bác sĩ chuyên khoa phụ trách trước khi chuyển bệnh lên vào phòng khám. Tại khu vực phòng khám cũng có phòng sàng lọc để xem bệnh nhân có cần nhập viện, theo dõi tích cực, theo đúng quy định hay không. Những ca không cần nhập viện sẽ điều trị ngoại trú và tái khám, theo dõi sát mỗi ngày.
Với bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết thì chúng tôi cũng nghiêm túc trong phân loại bệnh và chỉ cho nhập viện đúng chỉ định để tránh lây nhiễm chéo cho các cháu.
Khi lượng bệnh nhân tăng mà nhân sự của bệnh nhân không tăng thì để giải quyết bài toán quá tải, hẳn Ban Giám đốc cũng có những biện pháp kịp thời?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Khi tình hình bệnh nhân tăng cao, dịch chồng dịch thì thật sự mà nói, cũng có những lúc cực kỳ khó khăn cho chúng tôi khi nhân sự của bệnh viện không tăng. Những lúc này, Ban giám đốc cũng phải quán triệt tinh thần cho các anh chị em là sẵn sàng chống dịch bất kể là khoa, phòng nào. |
Có những ngày mà lượng bệnh nhân đông đỉnh điểm, để giải tỏa áp lực, chúng tôi đã huy động, điều chuyển nhân sự những khoa khác tới hỗ trợ những khoa đang “nóng”, tăng cường thêm nhân sự cho tua trực. Chuyển tất cả các khoa dịch vụ thành khoa thường để kịp thời giải quyết – tiếp nhận số lượng bệnh nhân. Tăng số bàn khám, thời gian khám lên nhiều lần so với thời điểm bình thường.
Các phòng chức năng như Phòng Kế hoạch tổng hợp, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Quản lý chất lượng, Quản trị, Phòng Tài chính Kế toán, Công tác xã hội… cũng tăng ca để hỗ trợ cho việc khám, chữa bệnh được thuận lợi.
Ban Giám đốc cũng tổ chức những ca họp khẩn cấp bất kể giờ giấc để có những chỉ đạo sát sao, kịp thời, đối với tình hình dịch bệnh và bệnh đông.
Bác sĩ có thể nói rõ việc tăng bàn khám, phòng khám cũng như chú trọng việc điều trị trong ngày trong lúc cao điểm?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Hoạt động khám chữa bệnh hầu như diễn ra 24/24. Khoảng 3 tuần nay, ca khám từ 05g30 -07g00 sáng, chúng tôi tăng từ 2-3 bàn khám lên 7-8 bàn khám, ca trưa (vào giờ nghỉ trưa), nếu lúc trước chỉ 4-5 bàn khám thì giờ đã tăng lên 10 bàn, ca đêm từ 16g00-21g00 cũng tăng gấp rưỡi. |
Cao điểm, cả ngày bệnh viện tổ chức trên 100 bàn khám để giải quyết lượng bệnh nhân đông đảo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để những phụ huynh ở xa hoặc bận đi làm có thể chủ động hơn trong việc đưa con đi khám, điều trị bệnh. Đặc biệt chúng tôi cũng đẩy mạnh việc điều trị trong ngày: Khi bệnh nhân được chuyển từ phòng khám vào Khoa điều trị ban ngày và lưu bệnh, các bác sĩ theo dõi và điều trị trong vài giờ đánh giá lại, nếu thấy bệnh nhân chưa cần nằm viện thì cho về, hẹn tái khám với những bệnh nhân ở gần, đặc biệt là người dân trên địa bàn TP.HCM. Chỉ khi nào có chỉ định nhập viện rõ thì mới cho nhập viện. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc giảm tải mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm chéo hay khiến bệnh trầm trọng hơn trong môi trường đông đúc và có nhiều mầm bệnh tồn tại. |
Trong lúc dịch bệnh bùng phát thì một điều rất đáng sợ là khả năng lây lan từ người bệnh sang người không có bệnh, từ bệnh ít sang bệnh nhiều. Bệnh viện đã làm gì để hạn chế điều này?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Bên cạnh việc khử khuẩn thường xuyên ở các khoa, phòng, bệnh viện cũng tổ chức thêm nhiều bình rửa tay, nhắc nhở phụ huynh cách rửa tay đúng cách, phát khẩu trang cho người nhà bệnh nhân ở một số khu vực... Bên cạnh đó, các nhân viên khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện làm việc rất tích cực. |
Tập huấn lại quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn cho tất cả nhân viên trong bệnh viện, kể cả nhân viên vệ sinh.
Bộ phận này cũng thường xuyên đi giám sát các khoa phòng, nhắc nhở nhân viên thực hiện rửa tay… Khoa phòng nào thực hiện tốt sẽ khen thưởng, còn không sẽ bị nhắc nhở. Bộ phận này cũng… “soi” cả nhà vệ sinh, nơi tập trung đông người và nhiều mầm bệnh.
Tất cả những hoạt động trên nhằm hạn chế quá tải, cũng như hạn chế lây chéo cho bệnh nhân trong mùa dịch bệnh.
SINH MẠNG CÁC CHÁU LÀ QUAN TRỌNG NHẤT
Khi cả bệnh viện “oằn lưng chống dịch” thì điều gì khiến các bác sĩ vượt qua khó khăn, vất vả, cả áp lực từ dư luận để hoàn thành trọng trách của mình?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Đó chính là trách nhiệm phải giữ lại sinh mạng của bệnh nhân. Tập thể các anh, chị em bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực giành lại được nhiều sinh mạng từ tay tử thần khi các cháu đến đây trong tình trạng quá nặng. Việc các cháu được cứu sống đã khiến cho chúng tôi “quên mệt”, “quên áp lực”, tin vào sứ mệnh nghề nghiệp thiêng liêng của mình. |
Mới đây chúng tôi vừa nhận được một thư cảm ơn của mẹ một bệnh nhi 4 tháng tuổi, đã được các bác sĩ cứu sống trong tình trạng nguy kịch và được xuất viện. Lá thư đó chúng tôi rất trân trọng vì nó thể hiện niềm tin của người dân vào tập thể bệnh viện. Cháu là một trong những ca sốt xuất huyết nhũ nhi nặng trong mùa dịch bệnh,được đưa đến từ tuyến trước. Khi đến với chúng tôi, cháu bị xuất huyết nhiều nơi, không cầm, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, trụy tuần hoàn. Tại khoa Nhiễm, cháu được hồi sức tích cực, thở máy, truyền dịch chống sốc, truyền máu và các chế phẩm… Sau 7 ngày, cháu được xuất viện trong tình trạng không di chứng.
Còn gì hạnh phúc hơn giây phút chứng kiến các cháu thoát khỏi tay tử thần, khỏe mạnh trở lại. Và chúng tôi chỉ cần có thế…
Điều bác sĩ muốn gửi tới người thân của trẻ trong mùa dịch bệnh?
|
BS.CK2 Trịnh Hữu Tùng: Tập thể CBCNV bệnh viện Nhi Đồng 2 cảm ơn tất cả thân nhân bệnh nhi đã chia sẻ, đồng hành cùng chúng tôi trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, chăm sóc, nâng đỡ, giúp các cháu vượt qua bệnh tật. Tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh rằng dịch bệnh có thể xảy ra quanh năm, bất cứ ở đâu, ở trẻ nào. |
Do vậy, phụ huynh cần trang bị những kiến thức thông thường về bệnh lý, cách phòng chống bệnh (thông qua các chương trình giáo dục sức khỏe của ngành y) để phối hợp tốt nhất với ngành y trong khi dịch bệnh xảy ra. Nếu chẳng may bé mắc bệnh thì cần bình tĩnh, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ ở tuyến cơ sở khám, theo dõi và điều trị. Chỉ khi nào các bác sỹ ở đấy thấy cần chuyển viện thì mới đưa bé đến những bệnh viện tuyến trên nhằm giảm quá tải, cho các bệnh viện tránh lây nhiễm chéo và giúp các cháu nhận được sự điều trị tốt nhất.
BS.CK2. Trịnh Hữu Tùng - Giám đốc bệnh viện
https://tuoitre.vn/90-tre-mac-soi-nang-khong-co-kha-nang-khang-benh-20181019131447368.htm
https://tuoitre.vn/trang-dem-o-benh-vien-nhi-20181011083622851.htm
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024