Dị vật đường thở bỏ quên 4 tháng giữa hai dây thanh bé gái 18 tháng tuổi
Ngày đăng: 17/11/2024
Lượt xem: 920
Dị vật đường thở khá thường gặp ở trẻ em. Thông thường trẻ nhập viện với tình trạng sặc dị vật cấp tính, tuy nhiên Khoa Hô Hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa tiếp nhận một trường hợp dị vật bỏ quên khá lâu và kẹt lại tại vị trí cực kì hi hữu là ngay giữa hai dây thanh của trẻ.
Trường hợp là bé gái tên H. 18 tháng tuổi, ngụ tại Sóc Trăng, bị khàn tiếng và khó thở kéo dài gần 4 tháng. Gia đình đưa bé H. đi khám nhiều phòng khám cũng như các bệnh viện đều được chẩn đoán viêm thanh quản cấp. Bé cũng từng được điều trị ngoại trú lẫn nội trú tại nhiều bệnh viện, triệu chứng có cải thiện nhưng không hết hẳn.
Vừa qua bé H. nhập viện tại khoa Hô Hấp 1, bệnh viện Nhi Đồng 2 với tình trạng thở rít thanh quản kéo dài. Khai thác bệnh sử, bác sĩ không ghi nhận bé có hít sặc dị vật trước đây. Để tầm soát nguyên nhân, trẻ được nội soi Tai mũi họng và chụp CT Scan cổ ngực với kết quả nghi ngờ có một màng chắn vùng hạ thanh môn. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện nội soi phế quản cho bé vào ngày 05/11/2024 và phát hiện mảnh dị vật bằng nhựa sắc, mỏng và trong suốt cắm ngay giữa thanh môn, tức là giữa 2 dây thanh âm của trẻ. Rất nhanh chóng, ê kíp nội soi tiến hành gặp dị vật thành công cho bé. Sau khi gắp dị vật, sức khỏe và đường thở của bé phục hồi tốt và được xuất viện sau 2 ngày.
Dị vật kẹt lâu ngày trong đường thở có thể gây nhiễm trùng, xuyên thủng khí phế quản, có thể nguy nguy hiểm tính mạng của trẻ. Trong trường hợp này, gia đình bé hoàn toàn không ghi nhận được việc bé bị sặc dị vật, may mắn là dị vật tuy kẹt ở vị trí hiếm gặp nhưng không gây xuyên thủng đường thở của trẻ sau một thời gian rất dài.
Theo BSCK2 Nguyễn Hoàng Phong- Trưởng khoa Hô Hấp 1, để phòng ngừa tình trạng hóc dị vật, phụ huynh cần lưu ý:
- Không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như: kẹo, đậu phộng, nho, các loại hạt…
- Trẻ nên được ngồi thẳng khi ăn và phải được giám sát bởi người lớn.
- Trẻ nên được hướng dẫn cách nhai kỹ thức ăn và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn.
- Để xa tầm tay trẻ những vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ.
Đồng thời, khi trẻ có tình trạng ho, khò khè kéo dài kém đáp ứng điều trị, quý phụ huynh cần đưa trẻ khám ngay tại cơ sở y tế chuyên sâu về hô hấp nhi để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tác giả: Bác sĩ Mai Phước Hiền - Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024