Bấm vào hình để xem kích thước thật

Hệ luỵ khôn lường trước bệnh táo bón kéo dài ở trẻ em

Ngày đăng:  02/01/2025

 
Lượt xem: 385

TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, cần được xử lý kịp thời, tránh những hệ lụy gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em.

Vừa qua khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé trai N.V., 4 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước đến khám và nhập viện vì tình trạng táo bón kéo dài. Người nhà cho biết bé đã điều trị tại nhiều nơi nhưng không thuyên giảm.

 

Theo đó, bé V. không tự đi tiêu được và phải dùng thuốc nhuận trường hàng ngày kết hợp bơm hậu môn hoặc phải thụt tháo. Tình trạng kéo dài từ khi mới sinh, khiến V. ăn uống kém, kém hấp thu, suy dinh dưỡng, bụng lúc nào cũng trướng to do ứ đọng phân trong khung đại tràng.

 

Sau khi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé V. được thăm khám khám, chụp X-quang đại tràng có cản quang, sinh thiết hút trực tràng. Kết quả sinh thiết em mắc bệnh Hirschsprung (phình đại tràng) đoạn ngắn. Phần trực tràng sát hâụ môn không có tế bào hạch thần kinh là nguyên nhân gây ra bệnh táo bón kéo dài.

 

Bé V. được ekip bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện gồm: TS.BS Vũ Trường Nhân – Bác sĩ Trưởng khoa và BS.CKI Nguyễn Hiền phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bệnh lý. Một tháng sau mổ bệnh nhi đi tiêu gần như trẻ bình thường, tình trạng suy dinh dưỡng dần cải thiện.

-----------------------------------------------------------------------

Liên quan đến vấn đề này, TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết táo bón là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Tuy nhiên khi tình trạng kéo dài và không điều trị kịp thời có thể dẫn đến việc trẻ kém hấp thu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến các bệnh viêm ruột nặng, tắc ruột, thủng ruột,….

 

Hiện điều trị bón ở trẻ em có thể chia thành 02 phương pháp: táo bón nội khoa (điều trị nội khoa) và táo bón ngoại khoa (điều trị phẫu thuật).

 

Táo bón nội khoa bao gồm:

- Táo bón chức năng: Nguyên nhân do trẻ nhịn không đi ngoài, chế độ ăn không phù hợp, ăn ít chất xơ, thiếu nước, ít vận động...

- Một số bệnh lý như: cường giáp, suy giáp, đái tháo đường, các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh như bại não, chậm phát triển tâm vận…

Điều trị táo bón nội khoa: thay đổi chế độ ăn, tập thói quen đi tiêu, uống nhiều nước, tăng cường vận động, nếu không đáp ứng có thể cho bé uống thuốc nhuận trường, bơm hậu môn kích thích đi tiêu.

 

Táo bón ngoại khoa bao gồm các bệnh thường gặp:

- Bệnh Hirschsprung (phình đại tràng bẩm sinh):

• Do thiếu hụt bẩm sinh tế bào hạch thần kinh ở đại tràng dẫn đến đoạn ruột nhu động kém gây táo bón.

• Bệnh thường được phát hiện ở trẻ sơ sinh, nhủ nhi, đôi khi ở những trẻ lớn hơn.

• Triêụ chứng thường gặp là táo bón không đáp ứng điều trị nội khoa, đôi khi bé vào bệnh viện với tình trạng viêm ruột nặng, hoặc thủng ruột, nguy hiểm tính mạng.

• Bệnh thường gặp ở các bé có tiền căn chặm tiêu phân su >24h sau sinh.

• Để điều trị bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ đoạn đại tràng không có tế bào hạch, đưa đoạn ruột lành phía trên xuống thay thế. Phẫu thuật có thể chữa khỏi hoàn toàn tình trạng bệnh này và trẻ có thể đại tiện bình thường.

- Bất thường vị trí hậu môn (thường gặp: hậu môn tầng sinh môn trước): Bệnh biểu hiện với táo bón kéo dài không đáp ứng đều trị nội, vị trí hậu môn bất thường.

• Điều trị: phẫu thuật chĩnh hình hậu môn.

-----------------------------------------------------------------------

Hàng năm tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận và phẫu thuật dao động trong khoảng 250- 300 trường hợp bệnh Hirschsprung từ trẻ sơ sinh đến trẻ lớn. Vì vậy Bác sĩ Thạch nhấn mạnh các bậc phụ huynh cần lưu ý khi trẻ táo bón kéo dài đã điều trị thuốc, thay đổi chế độ ăn uống… nhưng vẫn không đáp ứng, cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Nhi để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm.

 

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác