Tim bẩm sinh tím
Ngày đăng: 13/04/2008
Lượt xem: 15612
Câu hỏi:
Kinh thưa các BS! Chúng tôi có đứa cháu họ mới sinh ra đã bị bệnh tím cả người. Các BS bảo nó bị tim bẩm sinh goi là tứ chứng Pha lô gì đó, xin BS cho biết bệnh này có trị được không? Bé có thể sống và phát triển như trẻ khác không? Xin các BS trả lời sơm dùm Xin thành thật cám ơn
Người hỏi: Hung vuong
Trả lời:
Bạn Vương thân mến!
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em có thể chia đơn giản là gồm có 2 nhóm là: tim bẩm sinh tím và tim bẩm sinh không tím. Trong mỗi loại có thể chia làm 2 nhóm nữa là nhóm tăng tuần hoàn phổi và nhóm giảm tuần hoàn phổi.
Trong quá trình hình thành và phát triển bào thai, cũng như các cơ quan khác, tim có thể có những khuyết tật do bệnh lý về gene và nhiễm sắc thể như thay đổi cấu trúc hay số lượng nhiễm sắc thể ( thí dụ như trong hội chứng Down có 3 nhiễm sắc thể 21 thay vì người bình thường chỉ có 2 nhiễm sắc thể 21 ) hoặc do sự phát triển không hoàn chỉnh của tim.
Các dị tật tim bẩm sinh thường gặp bao gồm: Thông liên thất, Thông liên nhĩ, Còn ống động mạch, Tứ chứng Fallot, APSO, Kênh nhĩ thất…
Theo như bạn nói, cháu bạn bị tim bẩm sinh là tứ chứng Fallot, bệnh này được xếp vào nhóm bệnh tim bẩm sinh tím, và giảm tuần hòan phổi.
Tứ chứng Fallot tức là trẻ có 4 di tật ở tim, đó là: hẹp động mạch phổi (có thể ngay tại van ĐM phổi hay trên/dưới van ĐM phổi), thông liên thất, động mạch chủ cưỡi ngựa trên vách liên thất (tức đường ra của ĐMC nằm vắt ngang trên vách phân chia giữa 2 thất phải và trái), phì đại thất phải. Tùy thuộc vào độ hẹp của ĐM phổi mà trẻ có triệu chứng tím nhiều hay ít, thậm chí có những trẻ bị tứ chứng Fallot nhưng vẫn không có triệu chứng tím do chỉ hẹp rất nhẹ van ĐM phổi và những trẻ này được gọi là Fallot hồng và có thể sống như những trẻ bình thường tới già.
Nếu trẻ bị hẹp nặng van ĐM phổi làm máu lên phổi bị hạn chế thì những trẻ này có triệu chứng tím (tím môi và niêm mạc) sớm và nặng. Khi đó trẻ cần phải được can thiệp phẫu thuật sớm để chỉnh sữa những khuyết tật ở tim, có thể làm triệt để một lần là: mở rộng van ĐM phổi, vá lỗ thông giữa 2 tâm thất, chỉnh lại vị trí của ĐM chủ về bên tâm thất trái; hoặc có thể phẫu thuật tạm thời là dùng ống nối nối giữa ĐM dưới đòn trái với ĐM phổi để có thể đưa máu lên phổi trao đổi oxy (gọi là PT Blalock-Tausig), rồi sau một thời gian sau có đủ điều kiện làm phẫu thuật triệt để để giải quyết những khuyết tật còn lại.
Trẻ có thể tử vong do lên cơn tím thiếu oxy mà không được xử trí kịp thời và đúng đắn, hoặc có những biến chứng như tắc mạch não, áp xe não,…
Bạn nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 hoặc Nhi Đồng 1 hoặc Viện Tim để được khám, siêu âm tim. Cháu sẽ trở lại cuộc sống bình thường như bao trẻ khác sau khi đã được phẫu thuật triệt để. Hiện tại, bệnh này của cháu có thể phẫu thuật tại Viện Tim, BV Chợ rẫy, BV Tâm đức, BV Triều an, Nhi Đồng 1.
Thân ái
Trả lời bởi: BS.CK2.Trịnh Hữu Tùng
Các tin khác
Hẹp động mạch phổi 01/04/2015
Chế độ dinh dưỡng cho bé tim bẩm sinh 14/04/2014
Dãn cơ tim 05/04/2014
Biểu hiện tăng áp phổi và suy tim 04/04/2014
Tư vấn tim bẩm sinh 18/03/2014
Tăng áp phổi và suy tim 17/03/2014
thông liên thất quanh màng kích thước 6mm 28/02/2014
Bệnh tim tồn tại lỗ bầu dục 27/02/2014
Tư vấn tim bẩm sinh 13/02/2014
Thông liên thất quanh màng 12/02/2014